Tiếp thêm sinh khí cho tranh dân gian

Bài viết giới thiệu về sự phát triển của tranh dân gian Việt Nam, đặc biệt là tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng. Tranh Đông Hồ có lịch sử khoảng 500 năm, với hàng trăm mẫu khắc và hàng vạn bản in. Tranh Kim Hoàng ra đời vào đầu thế kỷ 18, nhưng từng bị thất truyền do trận lụt năm 1915. Nhờ những nỗ lực của các nhà nghiên cứu và nghệ nhân, cả hai dòng tranh này đã được phục hồi và phát triển, thậm chí được thương mại hóa với các mẫu tranh mới. Bài viết cũng đề cập đến vai trò của họa sĩ trẻ Xuân Lam trong việc đưa tranh dân gian đến gần hơn với công chúng qua phong cách vẽ kết hợp đồ họa hiện đại.

Nổi tiếng nhất trong các dòng tranh dân gian là tranh Đông Hồ (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ) với lịch sử khoảng 500 năm. Tranh Đông Hồ có hàng trăm mẫu khắc, hàng vạn bản in; cơ bản các ván khắc cổ còn được lưu giữ. Không chỉ có những bức tranh mô tả cuộc sống thời trung đại, mỗi thời kỳ lịch sử đều có những bức tranh riêng nên dòng tranh này vẫn gắn bó với tâm thức công chúng.

Trước đây, người dân mua tranh về dán trên tường vào dịp Tết, thời gian sử dụng loại tranh này thường tròn một năm. Nhưng khi người ta chuộng treo các loại tranh, ảnh khác thì vẻ đẹp mộc mạc của tranh Đông Hồ bị cho là “quê kệch” nên thói quen mua loại tranh này dần dần không còn nữa.

Vài ba hộ làm tranh bám trụ với nghề đã sớm có ý thức thương mại hóa, gửi tranh đến các địa điểm du lịch từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau này, nhờ thương mại phát triển, tranh cũng được bán trên toàn cầu một cách dễ dàng. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, dù ở tuổi 88 nhưng vẫn tâm huyết với dòng tranh dân gian Đông Hồ. Đầu năm 2024, ông thành lập Trung tâm Giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ trên diện tích 6.000m 2 của gia đình. Qua đó, thu hút du khách gần xa đến tham quan, du lịch làng tranh cổ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, được xem là người có công đưa dòng tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) từ chỗ thất truyền, nay đã được công chúng biết đến. Dòng tranh Kim Hoàng ra đời vào đầu thế kỷ 18, song trận lụt năm 1915 đã khiến làng Kim Hoàng ngập trắng và làm trôi đi nhiều ván khắc. Từ năm 2016, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các nhà sưu tầm tranh dân gian, các học sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử... tâm huyết triển khai “Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng”. Chị đã nhận được Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội với cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” (Nhà xuất bản Thế giới) năm 2022.

Đáng quý hơn, nhiều bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Kim Hoàng còn lại đã được in theo cách truyền thống: In nét-tô màu, hay in cả nét và màu hoặc in mảng rồi viền nét. Tranh Kim Hoàng đã được thương mại hóa không chỉ với các mẫu cũ mà còn cả các mẫu tranh mới. Việc tạo ra mẫu mới chính là sự khẳng định giá trị văn hóa của tranh dân gian trong đời sống đương đại. “Chúng ta không thể mãi tạo ra những bức tranh cổ, như bộ tranh Kiều, tranh Tam quốc diễn nghĩa, mà phải tạo ra những mẫu mới với chủ đề, họa tiết bắt mắt, phù hợp với xu thế của thời đại. Chúng tôi dựa vào thị hiếu của khách hàng, mỗi năm đến con giáp nào thì chuẩn bị tranh về con giáp ấy”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết.

Về việc tạo ra mẫu mới trong tranh dân gian, phải nhắc đến họa sĩ trẻ Xuân Lam (sinh năm 1993). Anh bắt đầu nổi tiếng từ năm 2016 với dự án “Vẽ lại tranh dân gian”. Khi nhắc đến Xuân Lam, nhiều người trong và ngoài giới hội họa đều công nhận anh là người đầu tiên vẽ lại tranh dân gian thành công nhờ kết hợp đồ họa. Các tác phẩm của Xuân Lam sau khi được vẽ tỉ mỉ bằng bút chì thì được tô màu bằng công nghệ đồ họa hiện đại. Vẫn là các gam màu cơ bản trong tranh dân gian, nhưng với công nghệ và những nét vẽ tỉ mỉ, những hình tượng gà, lợn, hổ... trong tranh của Xuân Lam trở nên sống động, tươi mới. Dưới bàn tay của họa sĩ Xuân Lam, những tác phẩm dân gian đã vượt qua khuôn khổ thông thường của những bức tranh, khẳng định sức sống tươi mới trong dòng chảy văn hóa đương đại. Đặc biệt các họa tiết, mô-típ tranh dân gian được in hiện đại trên các sản phẩm tiêu dùng quen thuộc, như: Áo, túi xách, sổ ghi chép...

Thời gian tới, nhiều khả năng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây là "thời cơ vàng" để tranh Đông Hồ nói riêng và tranh dân gian Việt Nam phục hưng, lan tỏa giá trị ra ngoài biên giới. Nhìn rộng ra, với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, vốn quý tranh dân gian sẽ ngày càng được khai thác để đáp ứng nhu cầu của công chúng.

MỘC MIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Các bài liên quan: