Cuốn ký họa đặc biệt về Điện Biên Phủ của họa sĩ Phạm Thanh Tâm

Cuốn sách 'Ký họa trong chiến hào' của họa sĩ Phạm Thanh Tâm là nhật ký và các bức ký họa được ông thực hiện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách phóng viên chiến trường. Nhật ký ghi lại những sự kiện, hình ảnh chân thực trong 56 ngày đêm chiến dịch. Các bức ký họa bằng bút sắt cán tre và mực chứa trong lọ penicillin vẽ nên hình ảnh người lính, pháo thủ, xe tải, bản đồ và chân dung tự họa trong chiến hào chật hẹp. Sau hơn 20 năm, NXB Kim Đồng đã đưa cuốn sách trở về quê hương kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong bộ sách kỷ niệm đó, đáng chú ý là cuốn sách “Ký họa trong chiến hào” của họa sĩ Phạm Thanh Tâm (1932-2019), được ông thực hiện khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách phóng viên chiến trường Báo Quyết Thắng, tờ báo của Đại đoàn Pháo binh 351.

22 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Thanh Tâm lên đường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong vai trò phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ. Từ ngày 22-2-1954, ông bắt đầu những dòng nhật ký: “Tôi cùng 1/2 đội văn công đi chiến dịch. Vui và hăng say vì thấy mình đã khỏe, tuy hơi gầy”. Những trang nhật ký ghi lại nhiều sự kiện trong chiến dịch 56 ngày đêm của đơn vị nơi ông công tác nói riêng, của quân và dân ta nói chung trên chiến trường Điện Biên Phủ. Những trang viết được ghi theo lối biên niên, ngắn gọn, trọng thông tin, ấn tượng nhiều hơn là làm văn hay tô điểm cảm xúc.

Bên cạnh đó, Phạm Thanh Tâm còn có những bức ký họa cỡ nhỏ về người lính, các pháo thủ, những chiếc xe tải hạng nặng Motolova, những tấm bản đồ và cả bức chân dung tự họa tác giả đang ngồi trên mặt đấu, đầu cắm cúi trong tư thế viết ở chiến hào chật hẹp giữa chiến trường. Chỉ với một chiếc bút sắt cán tre, một lọ penicillin đựng mực giắt trong túi áo ngực, Phạm Thanh Tâm đã có được cuốn nhật ký chân thực và các bức ký họa thật đẹp trong những ngày ở chiến trường Điện Biên Phủ. Một trong những bức ký họa gốc của Phạm Thanh Tâm từng vẽ trong 56 ngày đêm chiến dịch vẫn nguyên vẹn cho tới hôm nay. Một vài bức được xếp vào danh mục, được xuất bản bên cạnh những bức vẽ của vợ chồng họa sĩ Mai Văn Hiến và xuất hiện trong danh mục Paris-Hanoi-Saigon trong triển lãm tranh Việt Nam tại Paris năm 1996.

Những trang nhật ký của ông sau này được nhà nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật châu Á người Anh Sherry Buchanan (học giả và chủ bút nhật báo Wall Street và Diễn đàn dự báo quốc tế) đặc biệt quan tâm. Qua những chuyến đi lại và trao đổi liên tục suốt hơn hai năm, bà Sherry Buchanan đã tổ chức dịch và xuất bản tại London cuốn nhật ký của Phạm Thanh Tâm bằng hai thứ tiếng.

Một bản dịch sang tiếng Anh có tên “Drawing under fire” (Vẽ dưới lửa đạn), một bản dịch sang tiếng Pháp có tên “Encre De Chine-Carnet de guerre d’un artise Viêt-minh” (Mực nho-Cuốn sổ chiến tranh của một nghệ sĩ Việt Minh). Cả hai bản dịch này đều do NXB Asia Ink tại London ấn hành năm 2005.

Sau đó, một NXB khác tại Paris cũng tái bản bản dịch tiếng Pháp nhưng với tiêu đề khác “Carnet De guerre D’un Jeune Viêt-minh à Diên Biên Phu” (Cuốn sổ chiến tranh của một người Việt Minh trẻ tuổi tại Điện Biên Phủ).

Tuy nhiên, cuốn nhật ký này của Phạm Thanh Tâm vẫn chưa từng được in ở Việt Nam. Bản thảo gốc cuốn nhật ký đã được tác giả tặng lại cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Hiện gia đình ông chỉ còn giữ lại bản chép tay.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng biên tập NXB Kim Đồng cho biết: “Với mong muốn giới thiệu tới độc giả Việt Nam, sau gần 20 năm, NXB Kim Đồng đã chính thức đưa được cuốn sách trở về quê hương trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

“Ký họa trong chiến hào” bản tiếng Việt gồm 3 phần: “Đường ra trận”, “Trong chiến hào” và “Về hậu phương”. Ngoài nội dung nhật ký, phần hình ảnh hơn 30 bức tranh ký họa được tác giả vẽ trong chiến hào mang giá trị đặc biệt. Theo nhận xét của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Tranh ký họa của Phạm Thanh Tâm đầy cảm xúc, họa sĩ vẽ những tình cảm tế nhị của người lính về cuộc chia tay với người thương, anh vẽ tình đồng đội sâu sắc qua những bức ký họa chăm sóc thương binh, vẽ niềm vui thường ngày của người lính bên bờ suối ngay sau ngọn đồi E khốc liệt giữa chiến dịch, niềm vui hòa bình khi những bông hoa nở trên mũ sắt vỡ...

Bài và ảnh: GIÁNG NGỌC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Các bài liên quan: