Mỹ vạch tầm nhìn giúp Ukraine đối phó Nga

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Ukraine để biểu thị sự đoàn kết khi Lầu Năm Góc tăng tốc cung cấp vũ khí cho Kiev. Ông thừa nhận Ukraine khó giành lại lợi thế trước năm 2025, khiến nhiều quan chức Ukraine lo ngại, trong khi Nga đang dồn lực cho công nghiệp quốc phòng để chế tạo vũ khí. Blinken cho biết Mỹ sẽ giúp Ukraine củng cố năng lực quân sự, cải cách để loại bỏ tham nhũng và mở cửa các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, Ukraine vẫn đối mặt với thách thức từ nội bộ Mỹ với các thành viên đảng Cộng hòa đặt câu hỏi về chiến lược và cơ hội thành công. Các nhà phân tích cho rằng Ukraine cần xây dựng lại sức mạnh quân sự để có vị thế tốt hơn trong năm sau.

Article Image

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/5 tới Ukraine trong chuyến thăm cấp cao đầu tiên của một quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden kể từ khi quốc hội thông qua gói viện trợ mới 61 tỷ USD tháng trước.

Chuyến thăm nhằm thể hiện tình đoàn kết với Ukraine khi Lầu Năm Góc tăng tốc độ cung cấp hệ thống phòng không, pháo binh và trang thiết bị quân sự khác cho Kiev. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh Ukraine có thể sắp phải đối mặt với chiến dịch tấn công mùa hè quy mô lớn của Nga và nguy cơ không thể giành lại tất cả các vùng lãnh thổ đã mất, theo chuyên gia.

Các quan chức Mỹ thừa nhận những thách thức lớn của Ukraine có nghĩa Kiev khó có thể giành lại lợi thế chiến trường ít nhất trước năm 2025. Điều này khiến nhiều quan chức Ukraine lo ngại họ có thể buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga trong tình thế bất lợi trên chiến trường.

"Những tuần và tháng tới sẽ đòi hỏi những người Ukraine vốn chịu nhiều mất mát phải nỗ lực thêm rất nhiều. Song tôi đến Ukraine với thông điệp rằng các bạn không đơn độc", Ngoại trưởng Blinken phát biểu trước quan chức cấp cao và sinh viên Ukraine tại Học viện Bách khoa Kiev.

"Người Mỹ hiểu rằng ủng hộ của chúng tôi đối với Ukraine sẽ củng cố an ninh cho chính Mỹ và đồng minh của chúng tôi. Họ hiểu rằng nếu ông Putin đạt được mục tiêu ở Ukraine, ông ấy sẽ không dừng lại", ông Blinken nói thêm.

Phát biểu được đưa ra sau một ngày ông Blinken họp với Tổng thống Volodymyr Zelensky. Chính quyền Tổng thống Biden mong muốn thể hiện sự ủng hộ liên tục đối với Ukraine sau khi những cản trở ở quốc hội Mỹ đã khiến gói viện trợ bị chậm trễ nhiều tháng và làm suy yếu năng lực quân sự của Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (ngồi giữa hàng bên phải) họp cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy tại Kiev ngày 14/5. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Nga đang dồn lực cho ngành công nghiệp quốc phòng để chế tạo vũ khí phục vụ chiến sự. Lực lượng Nga gần đây phát động cuộc tấn công qua biên giới vào tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine, kiểm soát loạt làng dọc biên giới chỉ trong hai ngày tấn công.

Giới quan sát cho rằng mũi tấn công bất ngờ ở Kharkov là một ví dụ nữa cho thấy thách thức mà Ukraine phải đối mặt khi bước sang năm thứ ba xung đột với Nga. Lực lượng Ukraine đang bị dàn mỏng, hỏa lực pháo binh bị Nga áp đảo, lưới phòng không suy yếu, trong khi nguồn binh sĩ tiếp viện thiếu thốn.

Ngoại trưởng Blinken cho biết tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Biden là giúp Ukraine củng cố năng lực quân sự, ngành sản xuất vũ khí và cả ngành công nghiệp nói chung để có cả nền quốc phòng và kinh tế mạnh mẽ hơn.

Để thành công, ông Blinken cho hay kế hoạch sẽ đòi hỏi những cải cách lớn liên tục để loại bỏ nạn tham nhũng trong chính phủ và quân đội Ukraine. Kiev cũng phải mở cửa các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như năng lượng để có thể tăng tính cạnh tranh.

"Chiến thắng trên chiến trường sẽ ngăn kịch bản Ukraine bị sáp nhập vào Nga", ông Blinken nói, thêm rằng chiến thắng trong cuộc chiến tham nhũng sẽ giúp Ukraine đạt mục tiêu này.

Bên cạnh vạch kế hoạch cho tương lai Ukraine, ông Blinken cũng thừa nhận những thách thức chính trị ở Washington trong nỗ lực phê duyệt thêm viện trợ.

"Người dân Mỹ muốn biết liệu chúng tôi có kế hoạch cho ngày Ukraine có thể tự đứng vững cả về quân sự, kinh tế, dân chủ để không còn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ hay không. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng nền tảng vững chắc để xua tan mọi nghi ngờ về khả năng Ukraine có thể trừng phạt những ai muốn xâm chiếm lãnh thổ của họ", ông nói.

Ukraine cũng phải đối mặt cuộc chiến trong nội bộ nước Mỹ, nơi các thành viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện tiếp tục đặt câu hỏi về chiến lược dài hạn và cơ hội thành công của Ukraine.

Gói viện trợ 61 tỷ USD đã được thông qua tháng trước, nhưng được chưa tới một nửa số thành viên Cộng hòa ủng hộ. Cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên hàng đầu cho cuộc bầu cử vào Nhà Trắng năm nay, đưa ra những thông điệp không rõ ràng về chính sách đối với Ukraine, song tuyên bố sẽ kết thúc xung đột Ukraine trong 24 giờ nếu trở lại Nhà Trắng.

Trong chuyến thăm Kiev lần này, ông Blinken đã cố tìm cách trấn an người Ukraine rằng Mỹ vẫn sát cánh với họ.

"Tinh thần của người Ukraine không thể bị phá hủy bởi bom đạn hay bị chôn vùi trong những ngôi mộ tập thể. Nó cũng không thể mua được bằng tiền hay bị đàn áp. Nó không thể phá vỡ và đó là lý do Ukraine sẽ thành công", ông Blinken nói.

Trong cuộc gặp tại văn phòng tổng thống ở thủ đô Kiev, ông Zelensky đánh giá cao viện trợ của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết nhu cầu của Ukraine vẫn rất cấp bách.

"Phòng không là lỗ hổng lớn nhất đối với Ukraine. Chúng tôi cần hai hệ thống Patriot cho Kharkov", ông nói, nhắc tới hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến do Mỹ sản xuất. "Rất nhiều người đã bị tấn công, gồm cả dân thường và binh sĩ".

Người Ukraine cũng phàn nàn việc Nhà Trắng không cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga, điều mà họ coi là bất lợi khi chiến đấu với Moskva.

Nga đã chứng tỏ khả năng thích ứng và sử dụng bom lượn cùng nhiều loại đạn dược để làm cạn kiệt hệ thống phòng không của Ukraine, phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng và tấn công tiền tuyến. Giới quan sát cho rằng Ukraine cần phải củng cố hệ thống phòng thủ gồm cả các chiến hào và bãi mìn, khi đối mặt nguy cơ Nga tiến hành cuộc tấn công lớn thời gian tới.

Binh sĩ Ukraine trong cuộc diễn tập gần Kharkov hôm 29/2. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích và quan chức quân sự nhận định mục tiêu của Nga trong đợt tấn công vào Kharkov không phải là kiểm soát khu vực, mà là kéo giãn lực lượng Ukraine ở tiền tuyến, làm suy yếu hệ thống phòng thủ của nước này.

"Ở giai đoạn này của cuộc chiến, Nga nắm thế chủ động và có lợi thế về nguồn lực. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa họ chắc chắn sẽ chiến thắng. Tình hình sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra trong những tháng tới", Michael Kofman, nhà nghiên cứu tại tổ chức Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Washington, nói.

Ông Kofman nhấn mạnh gói viện trợ bổ sung gần đây không phải là "cây đũa thần". "Nó không thể giải quyết ngay lập tức các vấn đề mà quân đội Ukraine phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề thiếu đạn dược", ông nói.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói họ đang hành động nhanh nhất có thể. Từ ngày 24/4, chính quyền ông Biden đã công bố khoản viện trợ 1,4 tỷ USD cho Ukraine bằng cách sử dụng quyền rút vốn của tổng thống, loại hỗ trợ nhanh nhất. Nhà Trắng tháng trước cũng công bố thêm 6 tỷ USD hỗ trợ quân sự dự kiến sử dụng vào cuối năm nay.

Trong những tuần tới, Nhà Trắng có kế hoạch hoàn tất bản ghi nhớ dài hạn nhằm đảm bảo hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong thập kỷ tới.

Các nhà ngoại giao và chiến lược gia quân sự Mỹ muốn giúp Ukraine củng cố hệ thống phòng thủ trong năm nay, không lên kế hoạch phản công lớn như năm ngoái. Thay vào đó, họ hy vọng Ukraine có thể giữ vững phòng tuyến, bổ sung lực lượng, duy trì tuyến hàng hải trên Biển Đen cho tàu thương mại, cũng như kiềm chế mối đe dọa từ năng lực quân sự Nga ở bán đảo Crimea.

Nếu có thể xây dựng lại sức mạnh quân sự, Ukraine có thể có vị thế tốt hơn trong năm sau, theo giới quan sát.

"Tôi không nói chắc rằng họ sẽ chiến thắng. Nhưng đó là một kịch bản hợp lý", Daniel Fried, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về hưu và hiện là thành viên tại tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương ở Mỹ, nói.

Thanh Tâm (Theo Washington Post, CNN, AFP )

Các bài liên quan: