Mang song thai một ở trong tử cung một nằm ngoài

Bài viết đề cập đến trường hợp thai phụ mang song thai bất thường, với một thai trong tử cung và một thai ngoài tử cung. Tình trạng này khá hiếm gặp, chỉ xảy ra ở 1/30.000 ca mang thai tự nhiên. Ca bệnh được phát hiện khi thai phụ nhập viện với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn và chóng mặt. Siêu âm cho thấy có thai trong tử cung và nhiều dịch trong ổ bụng. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi để cắt bỏ khối thai ngoài tử cung vỡ, đồng thời truyền máu và điều trị giữ thai cho thai nhi còn lại trong tử cung. Sau phẫu thuật, sức khỏe thai phụ ổn định và thai nhi phát triển bình thường.

Article Image

"Đây là trường hợp ít gặp với tần suất 1/30.000 ca mang thai tự nhiên", bác sĩ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang nói ngày 15/5, thêm rằng thai phụ đã khám nhiều nơi nhưng không phát hiện bất thường.

Trường hợp mang song thai mà có một thai trong tử cung và một thai ngoài tử cung có thể xảy ra ở bệnh nhân được kích thích buồng trứng để tạo nhiều nang noãn hoặc làm thụ tinh trong ống nghiệm, theo bác sĩ Tước. Mang song thai tự nhiên bất thường như thai phụ này thì ít gặp. Tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, đây là ca đầu tiên được ghi nhận.

5 ngày trước khi nhập viện, thai phụ, quê Bắc Giang, đau bụng nghĩ do rối loạn tiêu hóa. Tuần trước đó chị khám thai tại Bắc Ninh, kết quả bình thường. Bụng đau nhiều hơn, chị đi khám được chẩn đoán thai dọa sảy kèm rối loạn tiêu hóa, nằm viện một ngày sau đó bác sĩ kê đơn thuốc cho về nhà ở Bắc Giang uống.

Về Bắc Giang, thai phụ buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, đi ngoài. Bác sĩ bệnh viện huyện phát hiện có nhiều dịch trong ổ bụng, chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, siêu âm ghi nhận một thai 7 tuần tuổi trong tử cung, nhiều dịch trong ổ bụng.

Kíp phẫu thuật nội soi hút ra khoảng 2 lít máu trong bụng bệnh nhân, phát hiện một khối thai khác nằm ở vòi tử cung có đường kính 3 cm, dài 5 cm chuyển màu tím sẫm, vỡ chảy máu. Các bác sĩ cắt khối chửa ngoài tử cung, rửa sạch ổ bụng để tránh áp xe và dính ruột. "Thao tác xử lý phải rất nhẹ nhàng, hạn chế tối đa động chạm vào tử cung để tránh bong nhau dẫn tới sảy thai đang phát triển trong tử cung", bác sĩ Tước nói.

Ca phẫu thuật thành công sau gần hai tiếng, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị hồng cầu và 4 đơn vị huyết tương, điều trị giữ thai bằng thuốc nội tiết và thuốc giảm co tử cung. Hai ngày sau phẫu thuật, sức khỏe thai phụ ổn định, không còn đau bụng và không ra huyết, thai nhi còn lại trong tử cung phát triển bình thường.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày cần đi siêu âm để xác định xem có thai trong hay ngoài tử cung. Thai phụ trên có dấu hiệu đau bụng, nôn và đi ngoài nhiều lần, choáng ngất nhưng không phát hiện chửa ngoài tử cung do siêu âm thấy có một thai trong tử cung. Ngoài ra, dấu hiệu bệnh lý đường tiêu hóa đã che lấp mất dấu hiệu chửa ngoài tử cung thông thường. Các bác sĩ thường sẽ tập trung kiểm tra thai trong tử cung nên dễ bỏ sót thai ngoài.

Nôn, đau bụng và đi ngoài là dấu hiệu có máu trong ổ bụng và kích thích túi cùng Dougla, gọi là hội chứng giả lỵ. Hội chứng này ngày nay ít gặp, do chửa ngoài tử cung thường được chẩn đoán sớm.

Với những trường hợp này, thông thường bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt khối thai ngoài tử cung để nuôi dưỡng thai trong tử cung, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người mẹ.

Lê Nga

Các bài liên quan: