Xuất khẩu than tăng 130 lần

Xuất khẩu than của Việt Nam tăng trưởng kỷ lục trong tháng, đạt mức tăng hơn 100 lần so với tháng trước và tăng 30 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Nhật Bản là thị trường nhập khẩu than lớn nhất với mức tăng trưởng ấn tượng về cả lượng và giá trị. Ngoài Nhật Bản, các thị trường khác như Thái Lan, Philippines, Malaysia cũng tăng cường nhập khẩu than cho sản xuất nhiệt điện. Việt Nam có thể huy động từ 43 -47 triệu tấn than thương phẩm một năm từ nay đến năm 2030, sau đó giảm dần vào giai đoạn sau. Dự báo nhu cầu than sẽ tăng cao đến năm 2035 rồi giảm dần. Tổng trữ lượng than đá tại Việt Nam ước tính khoảng 50 tỷ tấn, với Quảng Ninh là mỏ than quan trọng nhất. Năm ngoái xuất khẩu than giảm mạnh nhưng năm nay đã phục hồi và tăng trưởng ấn tượng.

Số liệu trên vừa được Hải quan công bố. Đây là tháng mà xuất khẩu than hay còn gọi là "vàng đen" có mức tăng trưởng kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước và tăng trên 100 lần so với tháng trước đó.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 112.112 tấn, tương đương 30,27 triệu USD, tăng 30 lần về lượng và tăng 23 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn nhất của than Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với 53.404 tấn, tương đương 12,43 triệu USD, tăng mạnh 146 lần về lượng và 9,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái - chiếm 41% thị phần.

Tiếp đến là Hà Lan, Nam Phi cũng tăng trưởng ấn tượng, gấp nhiều lần. Đặc biệt giá xuất khẩu sang các thị trường này cao hơn nhiều so với Nhật Bản và đạt trên 315 USD một tấn. Hiện, giá xuất khẩu bình quân của than chỉ đạt 270 USD một tấn, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng thị trường trọng điểm Nhật Bản, giá giảm tới 34%.

Nguyên nhân khiến các nước gia tăng nhập than là vì nhu cầu sản xuất nhiệt điện tăng cao trong khi thủy điện gặp khó do El Nino. Thống kê của tổ chức thế giới, cho thấy tình hình nước về các hồ thủy điện của nhiều quốc gia vẫn thấp so với trung bình nhiều năm. Tại Nhật Bản, theo Mordorintelligence nhu cầu nhiệt điện đã tăng cao hơn so với trước đại dịch, nguồn nhiệt điện kỳ vọng chiếm lĩnh thị trường. Theo thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), số lượng các nhà máy nhiệt điện ở quốc gia này chiếm phần lớn.

Ngoài Nhật Bản, các thị trường khác cũng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh như Thái Lan, Philippines, Malaysia. Họ đều tăng cường nhập khẩu than cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là nhiệt điện.

Báo cáo của Bộ Công Thương, khả năng huy động than của Việt Nam tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 đạt 43-47 triệu tấn than thương phẩm một năm. Sau đó, giảm dần vào giai đoạn 2035-2045. Dự báo, nhu cầu than sẽ ngày càng tăng cao đến năm 2035 từ 94-127 triệu tấn một năm, chủ yếu do sự gia tăng nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành kinh tế như xi măng, luyện kim, hóa chất, sau đó sẽ giảm dần còn từ 73-76 triệu tấn vào năm 2045.

Tổng cục Thống kê cho hay trữ lượng than đá tại Việt Nam có khoảng 50 tỷ tấn. Quảng Ninh là mỏ than quan trọng nhất tại Việt Nam. Các mỏ tại đây bắt đầu được đưa vào khai thác từ năm 1839. Trữ lượng lên tới 8,7 tỷ tấn cùng vị trí sát biển thuận tiện cho việc vận chuyển than đến thị trường quốc tế đã giúp cho Quảng Ninh trở thành khu vực khai thác than hàng đầu cả nước.

Năm ngoái xuất khẩu than giảm mạnh, 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch chỉ đạt 211,3 triệu USD, giảm 46,3% so với cùng kỳ 2022.

Hồng Châu

Các bài liên quan: