Triển vọng kinh tế Singapore sau chuyển giao quyền lực

Singapore đã hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực với tân Thủ tướng Lawrence Wong. Chính phủ mới của Singapore sẽ phải đối mặt với những thuận lợi như thành tựu kinh tế từ thế hệ trước, sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Singapore cũng gặp các thách thức như duy trì tăng trưởng kinh tế toàn diện, giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng, đảm bảo việc làm và nâng cao thu nhập người dân trong bối cảnh dân số già hóa và lạm phát tăng cao.

Tối 15/5, Singapore đã hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực, khi ông Lawrence Wong đọc lời tuyên thệ nhậm chức, trở thành Thủ tướng thứ tư của Singapore, thay ông Lý Hiển Long - người đã lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này trong 2 thập kỷ qua.

Các chuyên gia nhận định, tân thủ tướng Singapore ông Lawrence Wong và nhóm lãnh đạo thế hệ thứ 4 của đảo quốc này sẽ có cả thuận lợi và khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Thuận lợi lớn nhất đối với chính phủ mới là kế thừa các thành tựu kinh tế từ thế hệ trước để lại. Tại Singapore, sự tiếp nối và ổn định trong nhiều chính sách kinh tế thời gian qua là yếu tố quan trọng tạo sự tin tưởng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

PGS. Eugene Tan Kheng Boon - Giảng viên trường Đại học Quản lý Singapore cho biết: "Singapore phụ thuộc vào thương mại và đầu tư. Đây là những nền tảng cơ bản và các chính sách kinh tế do đó sẽ không thay đổi nhiều, ngay cả khi chuyển giao vị trí Thủ tướng".

"Xét về quy mô nền kinh tế thì Singapore thu hút được nguồn vốn FDI lớn nhất khu vực. Nó tương đương với khoảng 1/4 GDP của nước này mỗi năm", Tiến sĩ Darren Tay - Chuyên gia phân tích kinh tế tại Công ty BMI, Fitch Group thông tin.

Tuy nhiên, Singapore cũng gặp thách thức không nhỏ trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế một cách bao trùm, toàn diện trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có sự phân tách, dịch chuyển do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung quốc.

PGS. Eugene Tan Kheng Boon - Giảng viên trường Đại học Quản lý Singapore thông tin: "Những thách thức trong thời gian tới cũng không khác nhiều so với thời Thủ tướng Lý Hiển Long. Điều quan trọng là làm thế nào để đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập của người dân nhanh hơn tốc độ lạm phát".

"Singapore không còn là nơi có chi phí thấp đối với nhiều doanh nghiệp. Do đó, để thu hút FDI, Singapore cần đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực, tạo ra giải pháp toàn diện cho các nhà đầu tư", ông Johanes Candra - Cố vấn Ưu đãi Doanh nghiệp, Công ty Ernst &Young Solutions nhận định.

Dân số già hóa và lạm phát tăng cao khiến cho chi phí sinh hoạt và giá nhân công tăng theo, tạo áp lực lớn đến việc thu hút FDI vào Singapore.

Phần lớn các doanh nghiệp tại địa bàn cho biết chi phí nhân công và tiền thuê mặt bằng là áp lực lớn nhất đối với họ. Đây là một thách thức nữa mà chính phủ Singapore sẽ phải giải quyết trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo !

Các bài liên quan: