Ngành đồng hồ xa xỉ vẫn tin vào Trung Quốc và Gen Z

Ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ đang phải đối mặt với những thách thức, bao gồm sự sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong. Tuy nhiên, có những tín hiệu lạc quan từ thế hệ Gen Z, những người thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với đồng hồ xa xỉ. Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với các thương hiệu đồng hồ cao cấp, mặc dù gặp phải những khó khăn kinh tế gần đây. Thị trường Ấn Độ đang nổi lên như một thị trường xuất khẩu mới đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp này.

Article Image

Cụ thể, trong tháng 3, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông sụt giảm nặng nề, giảm lần lượt 41,5% và 44,2%. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành là Mỹ có mức giảm 6,5%... Luca Solca, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng xa xỉ của Bernstein cho biết, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ hiện tại không còn là thời kỳ "mua sắm trả thù" hậu Covid-19, các kênh bán buôn sẽ dần giảm nhập hàng khi họ nhận thấy nhu cầu thị trường đang yếu đi.

Báo cáo của RBC Capital Markets đưa ra dự báo, ngành đồng hồ Thụy Sĩ có thể giảm 7% trong năm 2024, giai đoạn này được coi là giai đoạn “bão hòa” sau đại dịch. Dù vậy, một báo cáo mới từ Watchfinder & Co. đem lại ánh sáng lạc quan khi cho thấy có 41% Gen Z đã mua một chiếc đồng hồ xa xỉ vào năm ngoái. Điều này rất đáng ngạc nhiên, đặc biệt là khi chúng ta nhìn vào mức chi tiêu: Thế hệ Z chi trung bình 10.870 USD cho một chiếc đồng hồ mới, trong khi thế hệ Millennials chỉ chi một nửa số đó ở mức 5.325 USD.

Cũng theo báo cáo đăng trên tờ Financial Times này, Gen Z mua trung bình 2,4 chiếc đồng hồ mới mỗi năm. Con số này là rất nhiều đối với mọi lứa tuổi. Rõ ràng là nhóm khách hàng này quá yêu thích những biểu tượng của địa vị xã hội trên cổ tay nên sẵn sàng xem xét các lựa chọn đắt giá hơn và 48% cho biết không gặp vấn đề gì khi thanh lý một phần tài sản của mình để đầu tư vào một chiếc đồng hồ mới. Ngoài ra, một phần ba Gen Z coi đồng hồ xa xỉ là khoản đầu tư tốt hơn các tài sản truyền thống như rượu vang, vàng và bất động sản.

Hơn bất kỳ thế hệ nào khác, giải trí trực tuyến đóng vai trò có ảnh hưởng đối với Thế hệ Z. Những người có ảnh hưởng trên TikTok như Vokum hay Mike Nouveau đang thu hút hàng triệu lượt xem từ các video livestream. Điều này mang lại cho những người đam mê đồng hồ Thế hệ Z cơ hội tiếp xúc với các mẫu xa xỉ hay thương hiệu truyền thống, đồng thời điều này có thể góp phần vào sự gắn kết đặc biệt của Thế hệ Z với thị trường đồng hồ xa xỉ vào năm 2024.

Về khía cạnh thị trường, theo báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ (FHS), Trung Quốc đại lục và Hong Kong cộng đã chi hơn 5 tỉ franc Thụy Sĩ (tương đương 5,49 tỉ USD) cho đồng hồ vào năm 2023. Sang năm nay, mặc dù mức xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông có sụt giảm, nhưng thống kê cho thấy có tới 40% số người tham dự triển lãm Watches & Wonders năm nay đến từ châu Á, với một phần đáng kể đến từ Trung Quốc.

Bất chấp những thách thức kinh tế đang rình rập, niềm đam mê của người tiêu dùng Trung Quốc với đồng hồ xa xỉ vẫn không hề suy giảm. Trên thực tế, đồng hồ xa xỉ được nhiều người Trung Quốc giàu có coi là một kênh đầu tư thay thế hấp dẫn trong thời điểm tài chính bất ổn, khi việc đa dạng hóa khỏi các khoản đầu tư truyền thống như bất động sản hoặc chứng khoán đang diễn ra. Tại sự kiện Watches & Wonders năm nay, khách hàng Trung Quốc ăn mặc đẹp, đeo phụ kiện đẹp, hầu hết có mức chi tiêu cao tới hàng triệu USD cho những chiếc đồng hồ hoặc đồ trang sức.

Theo đó, các đại sứ thương hiệu Trung Quốc cũng là trung tâm tại sự kiện năm nay với sự xuất hiện của các diễn viên như Dịch Dương Thiên Tỉ tại Jaeger Le-Coultre, Chu Nhất Long tại Chopard và Vương Dương tại IWC. Những nhân vật khác bao gồm diễn viên kiêm ca sĩ Tiêu Chiến đã thực hiện các buổi phát trực tiếp mà những người hâm mộ có thể theo dõi từ quê nhà. Ông David Sadigh là Giám đốc Điều hành của Digital Luxury Group cho rằng: "Sau hơn 20 năm làm việc trong khu vực, ông tin rằng sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc chỉ là một giai đoạn tạm thời".

Nhiều Giám đốc Điều hành của 54 thương hiệu sản xuất đồng hồ cũng đồng quan điểm rằng Trung Quốc là thị trường tiềm năng, bày tỏ niềm tin vào đam mê không ngừng của Trung Quốc đối với đồng hồ xa xỉ và nhấn mạnh khả năng phục hồi của phân khúc thị trường này trong bối cảnh kinh tế khó khăn hơn.

Nhất là khi doanh số bán hàng tại Hublot, một thương hiệu đồng hồ xa xỉ nổi bật trong LVMH, năm nay đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so với thời điểm “mua sắm trả thù” sau đại dịch. Có mức giá đôi khi lên tới hàng triệu Nhân dân tệ, thương hiệu này vẫn tiếp tục thu hút những người tiêu dùng sành điệu, với Mỹ và Trung Quốc là những khách hàng lớn nhất.

Giám đốc Điều hành Hublot, ông Ricardo Guadalupe cho biết: “Chúng tôi đã nhận thấy ở châu Á đặc biệt là Trung Quốc, người tiêu dùng trung bình trẻ hơn khoảng 35 tuổi và họ để mắt tới những thiết kế khác thường”. Tương tự, Giám đốc Điều hành của thương hiệu A. Lange & Söhne, ông Wilhelm Schmid cũng không hề lo lắng trước điều kiện kinh tế của Trung Quốc. "Mặc dù giá của chúng tôi không thấp, nhưng có những nhóm khách hàng có tài chính không bị ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường, họ chỉ đánh giá cao những chiếc đồng hồ tốt nhất”, ông chia sẻ với CNN tại sự kiện.

Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ là nơi có mức tăng về xuất khẩu trong quý đầu tiên cao nhất với 13,2%. Một hiệp định thương mại tự do giữa Hiệp hội thương mại tự do châu Âu và Ấn Độ mới đây đã được ký kết vào tháng 3, làm giảm dần mức thuế nhập khẩu đối với đồng hồ Thụy Sĩ trong 7 năm tới. Vì thế, đứng trong tâm bão suy thoái, chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ tự tin nhận định, ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ là một ngành có lịch sử hàng thế kỷ và đã “lão làng” khi trải qua những biến động kinh tế. Ông vô cùng lạc quan với đà tăng doanh thu của đồng hồ Thụy Sĩ trong tương lai.

Các bài liên quan: