'Con cưng' của kinh tế Mỹ bỗng diệt vong sau 1 đêm: Lập ‘liên minh ma quỷ’ với 900 công ty con để che giấu thủ đoạn

Enron từng là một trong những công ty năng lượng lớn nhất nước Mỹ với giá cổ phiếu đạt mức 90,75 USD. Tuy nhiên, vào năm 2001, công ty đã nộp đơn xin phá sản do báo cáo tài chính gian lận và giấu nợ. Vụ phá sản của Enron là một trong những vụ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Các giám đốc điều hành cao cấp của công ty, Jeffrey Skilling và Kenneth Lay, đã bị kết tội gian lận và lừa đảo, và công ty kiểm toán Arthur Andersen cũng phải đóng cửa vì liên quan đến vụ bê bối này.

Article Image

Dù đã trải qua nhiều năm nhưng sự sụp đổ từ đỉnh cao đến “đáy vực” của công ty năng lượng Enron luôn khiến phố Wall bàng hoàng mỗi khi nhắc lại. Được biết, ở thời điểm đỉnh cao, đây là một trong những công ty lớn nhất nước Mỹ với cổ phiếu từng chạm mốc 90,75 USD.

Công ty năng lượng từng là “ông trùm” nước Mỹ

Năm 1985, Kenneth Lay sáp nhập Houston Natural Gas và InterNorth để thành lập công ty năng lượng Enron . Nhờ những quy định mới về tự do hóa thị trường năng lượng Mỹ trong thập niên 90, từ thương hiệu không nổi bật, Enron đã trở thành “ông trùm” có thể thay đổi sự cân bằng trong lĩnh vực kinh doanh năng lượng.

Tuy nhiên, trên thực tế, Enron chỉ là những nhà buôn sắp xếp hợp đồng giữa người mua và bán rồi lấy tiền hoa hồng. Trong tay Enron, thị trường năng lượng ngang hàng với một sự đầu cơ tài chính.

Được biết, Enron đã xây dựng những nhà máy trị giá hàng triệu USD khắp thế giới nhưng chỉ sở hữu chúng khi giá năng lượng lên ngôi còn khi gặp khó khăn thì bán ngay lập tức. Nhờ hoạt động tài chính thuận lợi, Enron đã vươn sang các mặt hàng như giấy, nước, nhựa, kim loại và phương tiện viễn thông.

Giá cổ phiếu Enron tăng sốc, từ đầu thập niên 1990 đến cuối năm 1998 đã nhảy vọt 311% - vượt trội so với tỷ lệ tăng trưởng của chỉ số S&P 500. Năm 2000, Enron là một trong 7 công ty Mỹ có doanh thu hơn 100 tỷ USD, lợi nhuận lên tới 10 tỷ USD. Fortune lúc ấy đã luôn ca ngợi Enron là công ty có nhiều tiềm năng nhất với số vốn kinh doanh 63 tỷ USD.

Ngôi sao sáng “lầm đường lạc lối” và sự hình thành “liên minh ma quỷ”

Thông thường, một công ty mẹ có thể mở ra nhiều công ty con nhưng sẽ không có gì nếu mức độ dừng ở mức vài công ty “dưới trướng”. Nhưng Enron lại không như vậy. Công ty này đã tạo ra hơn 900 công ty con hay các thực thể có mục đích đặc biệt (SPE) nhằm che giấu núi nợ chồng chất và phóng to lợi nhuận và tài sản. Điều đặc biệt, hệ thống lại được thiết kế bởi các chuyên gia tài chính tài giỏi, và được bảo đảm bởi 1 trong 5 ông lớn ngành kiểm toán của thế giới ở thời điểm đó - Công ty Tư vấn và kiểm toán Arthur Andersen.

Khi Jeffrey Skilling được thuê vào công ty và sau đó đảm nhận vị trí CEO Enron, dưới sự dung túng của Kenneth Lay, Skilling đã tập trung vào việc đáp ứng những kỳ vọng của Phố Wall bằng cách phát triển một ban bệ điều hành nhằm “giấu nhẹm” hàng tỷ USD thua lỗ và nợ nần từ những thương vụ và dự án thất bại.

Ngoài những lời tự đánh bóng về khả năng quản lý, Enron cũng được quảng cáo rất hiệu quả qua Arthur Andersen và các nhà phân tích Phố Wall, nhờ vậy số người mua cổ phiếu của công ty lên cao kỷ lục.

Chính Andersen đã ký hợp đồng làm tư vấn cho Enron, sau đó lại tự mình đóng vai trò kiểm toán để xác nhận những báo cáo tài chính của Enron. Phí tư vấn và kiểm toán đều là những con số khổng lồ. Ví dụ, năm 2000, phí tư vấn là 27 triệu USD và phí kiểm toán là 25 triệu USD. Trung bình mỗi tuần, chi nhánh Andersen ở Houston nhận 1 triệu USD từ Enron.

Theo đó, những báo cáo tài chính được đưa ra đã không minh bạch - không mô tả rõ ràng hoạt động và tình hình tài chính của Enron cho các cổ đông và giới phân tích, thay vào đó, chúng lại “nâng tầm” hiệu quả hoạt động của công ty.

Những hoạt động tài chính “mập mờ” của Enron đều dựa trên sự thiết kế và vận hành của thứ mà nhiều nhà phân tích đặt tên là "những liên minh ma quỷ".

Mọi chuyện vỡ lở và đế chế sụp đổ

Vụ việc vỡ lở vào tháng 10/2001. Cổ phiếu Enron từ đỉnh cao 90 USD vào giữa năm 2000 đã tuột dốc không phanh xuống chỉ còn chưa tới 1 USD vào cuối tháng 11/2001. Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ (SEC) bắt đầu điều tra. Đối thủ cạnh tranh Dynegy đề nghị mua lại Enron nhưng thương vụ bất thành. Ngày 2/12/2001, Enron nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Với tài sản lên tới 63,4 tỷ USD, đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ tính đến thời điểm đó.

Được biết, Enron đã tiết lộ một khoản lỗ hằng quý khổng lồ và cho biết họ đã phóng đại thu nhập một cách có hệ thống trong suốt ít nhất 4 năm.

Nhiều người trong ban điều hành Enron đã bị kết tội và đưa vào tù. Trong đó, hai lãnh đạo cao nhất Jeffrey Skilling và Kenneth Lay từ người hùng trở thành những "kẻ dối trá và lừa gạt kinh hoàng". Họ đã khoa trương quá mức tình trạng sức khỏe của công ty và đưa công ty tới thảm cảnh phá sản, khiến cho nhà đầu tư mất hàng tỷ USD và khoảng 20.000 nhân viên Enron bị mất việc làm, nhiều người trong số họ mất luôn những khoản tiết kiệm cả đời vì đã góp vốn vào công ty.

Skilling và Lay bị buộc tội che giấu, làm những báo cáo giả và gian lận chứng khoán. Skilling còn bị kết tội giao dịch nội gián, phải chịu phạt 45 triệu USD và 24 năm tù. Lay thì đã qua đời khi chờ đợi bản án dành cho mình do bị nhồi máu cơ tim.

Công ty kiểm toán Arthur Andersen bị một tòa án quận kết tội cản trở tư pháp vì tiêu hủy giấy tờ liên quan đến vụ kiểm toán Enron. Mặc dù sau đó tòa tối cao đã gỡ bỏ phán quyết của tòa án quận nhưng trên thực tế, Arthur Andersen đã phải đóng cửa vì mất hầu hết khách hàng.

Ngay sau đó, hãng kiểm toán KPMG đồng ý thu nạp 23 chi nhánh "ở ngoài nước Mỹ" của Andersen với mức giá rẻ mạt 284 triệu USD. Một trong 5 công ty kiểm toán hàng đầu khác - Ernst & Young - đã chiếm được phần lớn những khách hàng và chuyên gia của Andersen ở Mỹ.

Arthur Andersen, một công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, với 85.000 chuyên gia và 89 năm lịch sử, đến năm 2007 chỉ còn không đầy 200 người, chủ yếu để hầu tòa trong các vụ kiện của cổ đông trong các công ty khách hàng trước đây.

>> Là ‘át chủ bài’ của kinh tế Hàn Quốc, 50 năm vững vàng báo lãi: Samsung giờ đây được miễn thuế vì thua lỗ nặng nề, ban lãnh đạo phải họp khẩn

"Tam quốc" vùng Trung Á đặt mục tiêu thống trị xuất khẩu năng lượng xanh cho châu Âu

Mitsubishi hưởng lợi từ nhu cầu năng lượng và quốc phòng

Nhà kinh tế trưởng Citi: Kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng, Fed phải hạ lãi suất 4 lần để 'giải cứu' nhưng cũng vô tác dụng

Trang TTĐTTH của Công ty cổ phần Đầu tư đổi mới công nghệ INTECH

Giấy phép số 2326/GP-TTĐT do Sở TTTT Thành phố Hà Nội cấp ngày 16/6/2021

Địa chỉ: Tầng 7, Tòa A7-D21, Số 9, Ngõ 11, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Thanh Hải

Ghi rõ nguồn Nguoiquansat khi phát hành lại thông tin từ website này

Thỏa thuận chia sẻ và trách nhiệm về thông tin.

Liên hệ quảng cáo

Email: [email protected]

Liên hệ: 0965 090 998 (Ms Nga)

Các bài liên quan: