Kỹ sư 8x làm bếp nước ấm cho vùng cao giành giải Sáng kiến - Báo VnExpress

Anh Dương Quang Kiều đã chế tạo thành công bếp nước nóng T -sona, tận dụng lượng nhiệt dư thừa của bếp củi để tạo nước nóng, lưu trữ và sử dụng. Sản phẩm này đặc biệt phù hợp với những vùng cao lạnh giá, mây mù, nơi hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời không hiệu quả. Hiện hệ thống bếp của anh đã được lắp đặt tại 20 gia đình và các điểm trường ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và học sinh.

Article Image

Giải pháp của anh Dương Quang Kiều (42 tuổi) phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam làm bếp đun củi tạo nước nóng thay bình nóng lạnh điện, bình năng lượng mặt trời phù hợp với hộ gia đình ít người.

Bếp nước nóng T-sona gồm hai phần, một phần là bếp củi, một phần là bình chứa nước được kết nối với nhau bằng ống chịu nhiệt, đồng thời nối với bình bảo ôn chứa nước ở trên cao. Bếp hoạt động dựa trên cơ chế đối lưu nhiệt, kết hợp nhiều chức năng để tạo thành một hệ thống nước nóng hoàn chỉnh. Nước trong bếp chia làm 2 tầng nóng và lạnh. Khi đun nấu, nhiệt dư thừa từ bếp củi sẽ được dẫn qua ống chịu nhiệt và truyền lên bình bảo ôn đựng nước và làm nóng nước trong bình. Cơ chế hoạt động tuần hoàn giúp làm nước nóng chỉ sau khoảng 3-5 phút và bình bảo ôn giữ nhiệt tới 3 ngày.

Anh Kiều cho biết, người sử dụng chỉ cần cắm ống nước cấp vào hệ thống và nấu ăn như bình thường, mọi hoạt động sẽ diễn ra tự động và lấy được ngay nước nóng sử dụng chỉ sau vài phút. "Bếp không hiện đại nhưng rất dễ sử dụng, phù hợp với bà con nông thôn, miền núi nơi vẫn sử dụng củi đốt", anh nói với VnExpress.

Anh Dương Quang Kiều bên sản phẩm bếp nước nóng. Ảnh: Đắc Thành

Giải pháp bếp nước ấm vùng cao của nhóm tác giả Thủy Sơn Năng được trao "Giải sáng kiến" tại cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024. Hạng mục vinh danh sản phẩm, sáng kiến đặc biệt phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi trị giá 30 triệu đồng.

Trên bục nhận giải Sáng kiến Khoa học chiều 16/5 tại Hà Nội, anh Dương Quang Kiều, đại diện nhóm Thủy Sơn Năng xúc động, có lúc nghẹn lời, phải dừng vài giây. Anh cho biết ý tưởng bếp ấm vùng cao bắt đầu từ năm 2019 khi nhóm tác giả đến vùng núi Nam Trà My (Quảng Nam) trải nghiệm cuộc sống. Qua đó, đội ngũ cảm nhận sự khó khăn, thiếu thốn mà người vùng núi gặp phải, đặc biệt hình ảnh em nhỏ đầu trần, chân đất "ghi dấu trong tim".

Vốn tốt nghiệp ngành Điện - Điện tử, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, hiện làm về điều khiển tự động và cải tiến máy móc cho một doanh nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất chip điện tử ở khu công nghiệp Bắc Chu Lai, huyện Núi Thành, anh Kiều nghĩ bản thân "cần phải làm gì đó để giúp đỡ họ". Và rồi anh nảy ra ý tưởng tận dụng lượng nhiệt dư thừa của bếp củi để tạo nước nóng, lưu trữ và sử dụng.

Bà Lâm Bích Ngọc, Trưởng ban Khoa học báo VnExpress, Phó ban tổ chức Cuộc thi trao giải Sáng kiến cho tác giả Dương Quang Kiều. Ảnh: Ngọc Thành

Anh cho hay ở đây, mùa đông chỉ có bếp củi, cũng là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của các thành viên. Cảm hứng đó giúp nhóm phát triển sản phẩm. Ban đầu, anh Kiều tận dụng phế liệu cũ như vỏ tôn, tuýp sắt... rồi mày mò, tỉ mẩn hàn xì lắp ghép. Mẫu này chưa được, anh bỏ đi làm lại mẫu khác và liên tục cải tiến từng chi tiết. Hơn 5 tháng nghiên cứu, anh hoàn thành bếp củi bằng inox vừa nấu ăn, vừa tạo ra nước nóng. "Mẫu hoàn thiện được cải tiến đến phiên bản thứ 4, trong đó vỏ bếp và bình đều làm từ inox để tăng thời gian sử dụng, tuổi thọ đạt tới 10-15 năm", anh nói.

"Trong quá trình triển khai, nhóm gặp nhiều khó khăn do nguồn nước vùng cao kém chất lượng, biến động theo mùa, do đó nhóm đã cố gắng tạo ra bộ lọc bếp sạch hơn để cung cấp đồng bào vùng cao", đại diện nhóm tác giả cho biết.

So sánh với hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, anh Kiều chia sẻ loại bếp mình chế tạo phù hợp với vùng cao lạnh giá, mây mù. Vì ở vùng núi mùa đông sương mù, ánh sáng yếu, không tạo ra được nước nóng, trong khi hệ thống bếp củi tạo nước nóng có thể dùng mọi lúc, dù mùa đông hay hè.

Hiện hệ thống bếp của anh Kiều được lắp đặt tại 20 gia đình ở huyện Nam Trà My. Có gia đình dùng cho khoảng 7-10 người. Bếp cũng được lắp đặt cho các điểm trường. Anh cho hay bếp bộ 550 lít có giá khoảng 12 triệu đồng, mỗi bếp chỉ lấy bằng số tiền bỏ ra mua vật liệu, thuê thợ cơ khí gò hàn và công vận chuyển lắp đặt. Anh nói không có mục đích thương mại loại bếp này, chỉ mong muốn tiếp tục nghiên cứu nâng cấp và giảm giá thành để bếp có thể đến được với người miền núi còn khó khăn. Nhóm Thủy Sơn Năng đã nộp đăng ký bản quyền sáng chế vào tháng 6/2022.

Ông Nguyễn Trần Vỹ, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Trà Don, cho biết nhiều điểm trường bán trú thời tiết lạnh không có nước nóng sử dụng. Thầy cô, nhân viên thường nấu ăn bằng bếp củi. Khi biết hệ thống bếp tạo nước nóng của anh Kiều, thầy Vỹ đã kêu gọi hơn 50 triệu đồng lắp đặt ở bốn điểm trường.

Ông Vỹ đánh giá khi đun nấu, bếp tạo nước nóng nhanh. Nước nóng đem dùng nấu ăn, cho học sinh tắm. "Một bếp có thể phục vụ 30-40 học sinh liên tục. Bếp củi tạo nước nóng đắt hơn hệ thống mặt trời nhưng hợp lý ở vùng cao, vì mùa đông cần nước nóng và có thể phục vụ nhiều học sinh", ông nói.

Như Quỳnh

Các bài liên quan: