Châu Á đối mặt và chủ động thích ứng với thách thức từ dân số già

Dân số châu Á đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có, với nhiều nước chỉ mất 20 -25 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%. Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước đi đầu, trong khi Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có tốc độ già hóa rất nhanh. Dân số già hóa tạo ra nhiều thách thức, bao gồm gánh nặng cho hệ thống lương hưu, nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội tăng cao. Các nước châu Á đang tìm cách tăng tỷ lệ sinh, khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc và phát triển các sản phẩm dịch vụ dành riêng cho người cao tuổi để đối phó với làn sóng già hóa.

Article Image

Con số này cho thấy xu hướng già hóa dân số diễn ra ngày càng nhanh tại châu Á - châu lục đông dân nhất thế giới.

Dân số già trở thành câu chuyện chung của nhiều quốc gia, từ những nền kinh tế hàng đầu (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đến những nước đang phát triển (như Thái Lan). Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất và được dự báo sẽ trở thành xã hội già vào năm 2036.

CHÂU Á ĐỐI MẶT DÂN SỐ GIÀ

Theo báo cáo về thay đổi nhân khẩu học tại châu Á do Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc thực hiện, dân số khu vực châu Á đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có. Nhiều nước trong khu vực chỉ mất từ 20 đến 25 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong tổng dân số tăng từ 7% lên 14%, trong khi đa số các nước châu Âu phải mất ít nhất 50 năm mới đạt tốc độ như vậy.

Quá trình già hóa dân số ở châu Á cũng ghi nhận khoảng cách giữa các nhóm nước. Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước đi đầu của làn sóng già hóa dân số ở châu Á, khi quá trình này bắt đầu từ cuối thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước sau những giai đoạn kinh tế bùng nổ. Nhóm những nước như Trung Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam bắt đầu sau nhưng có tốc độ già hóa rất nhanh. Các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia... hiện vẫn được đánh giá là xã hội trẻ nhưng cũng được dự báo sẽ sớm bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Tại Nhật Bản, số người từ 75 tuổi trở lên được dự báo sẽ lên tới 22,58 triệu vào năm 2030, chiếm khoảng 20% tổng dân số. Trong khi đó, 24,5% dân số Hàn Quốc hiện trên 70 tuổi và vẫn tiếp tục là một lực lượng lao động chính trong xã hội. Đáng chú ý, số người ở độ tuổi 70 cũng đã vượt số người ở độ tuổi 20 vào năm 2023.

Ở Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 15,4% tổng dân số, tăng tới 4% chỉ trong 5 năm. Trong khi đó, Thái Lan được cảnh báo sẽ trở thành xã hội siêu già vào năm 2029. Theo dự báo, đến năm 2037, tỷ lệ trẻ em của Thái Lan sẽ giảm xuống 14,3%, trong khi tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 29,85%.

Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm hơn 25% dân số Việt Nam.

(ẢNh: ADB)

Kể từ năm 2000 đến nay, các nước châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận cả tuổi thọ và tuổi thọ sống khỏe mạnh đều tăng, tuy nhiên tuổi thọ trung bình tăng nhanh hơn tuổi thọ sống khỏe mạnh. Điều này có nghĩa là người già châu Á sống lâu hơn nhưng phải sống chung với bệnh tật, số người già cần được chăm sóc dài hạn tăng lên.

Không chỉ dẫn đến thay đổi cấu trúc nhân khẩu học, sự gia tăng dân số già trong khi dân số trẻ giảm còn tác động đáng kể tới kinh tế xã hội.

Tình trạng trên tạo ra một vòng luẩn quẩn. Lực lượng lao động có độ tuổi ngày càng cao, người trẻ ít cơ hội có việc làm hoặc việc làm lương thấp nên không dám lập gia đình, hoặc nếu lập gia đình thì không dám sinh con. Thực trạng này dẫn đến việc số người về hưu chiếm tỷ trọng cao và số người bước vào độ tuổi lao động ngày càng ít, từ đó thu nhập của các hộ gia đình bị ảnh hưởng.

THÁCH THỨC TỪ GIÀ HOÁ DÂN SỐ

Dân số già hóa nhanh chóng đã tạo gánh nặng cho hệ thống lương hưu, tăng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ và cơ sở hạ tầng dành cho người cao tuổi như chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội, từ đó đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững. Chính phủ Nhật Bản ước tính với xu hướng dân số già và giảm đi như hiện nay, chi phí chăm sóc người cao tuổi hàng năm trên đầu người sẽ tăng 75%, lên hơn 1.500 USD vào năm 2050 so với mức của năm 2019.

Châu Á đang già đi nhanh chóng, trong khi những điều kiện, cơ sở cần thiết cho một xã hội già, thậm chí siêu già, cần phải được chuẩn bị trước hàng chục năm. Do đó, việc bắt kịp và chủ động đón nhận "làn sóng bạc" đang là bài toán đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia tại châu lục này.

Những thay đổi về cấu trúc dân số trong xã hội già hóa đang dần biến người cao tuổi thành một bộ phận ngày càng quan trọng trong lực lượng lao động, đồng thời cũng tạo ra nhiều lĩnh vực, hoạt động kinh tế xã hội mới. Trong bối cảnh xu hướng già hóa không thể đảo ngược, các nước châu Á đang tìm những cách thức để thích ứng, đón nhận những chuyển biến mới.

(Ảnh: Tân Hoa Xã)

CHÂU Á CHỦ ĐỘNG TRƯỚC "LÀN SÓNG BẠC"

Nhằm làm chậm lại tiến trình già hóa, các nước châu Á hiện chú trọng vào các biện pháp tăng tỷ lệ sinh vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng già hóa nhanh chóng hiện nay. Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đã đề xuất nới lỏng tiêu chuẩn hưởng ưu đãi với gia đình đông con, áp dụng cho gia đình có 2 con trở lên, thay vì chỉ 3 con trở lên như trước đây. Những hộ gia đình này được xem xét nhiều ưu đãi và hỗ trợ như mua nhà, xe, dịch vụ giáo dục, bảo hiểm thai nhi và sản phụ.

Tương tự, Nhật Bản hồi tháng 2 cũng thông qua dự luật tăng trợ cấp hàng tháng cho trẻ em đến 18 tuổi, hủy bỏ quy định về mức thu nhập đối với các hộ gia đình để được nhận trợ cấp.

Bên cạnh đó, người cao tuổi được khuyến khích tiếp tục làm việc, giúp họ không bị phụ thuộc, tự nuôi sống bản thân, thậm chí đóng góp thêm cho xã hội. Nhật Bản từ năm 2018 đã đưa ra hướng dẫn khuyến khích người cao tuổi tiếp tục tham gia lực lượng lao động, thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu trong một số ngành.

Trong "nền kinh tế tóc bạc", người cao tuổi không chỉ là lực lượng lao động mà cũng là đối tượng thụ hưởng, tiêu dùng được quan tâm, tạo động lực thúc đẩy nhanh chóng phát triển các sản phẩm dịch vụ dành riêng cho nhóm người này.

Tháng 1 vừa qua, Quốc vụ viện Trung Quốc đã lần đầu tiên ban hành quy chế hướng dẫn cụ thể, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tích cực cung cấp các mặt hàng và mô hình chăm sóc y tế, hỗ trợ người già và cải thiện hệ thống viện dưỡng lão.

Thái Lan cũng xác định việc dân số già đi mang lại cơ hội sinh lợi cho các doanh nghiệp nước này trong việc điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho người cao tuổi. Trong 3 năm qua, nước này đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các cơ sở phục vụ những yếu tố cơ bản hỗ trợ cuộc sống của người cao tuổi, tập trung giải quyết các nhóm nhu cầu cho người cao tuổi.

Già hoá dân số rõ ràng là vấn đề lớn và cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế của các quốc gia cũng như chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, cùng với những chính sách mở và tiến bộ về khoa học công nghệ, người cao tuổi hoàn toàn có thể sống khỏe, vui, có ích, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn xã hội, đặc biệt là khi các nước chủ động thích ứng với thời kỳ già hóa dân số, chủ động đón đầu cơ hội của "làn sóng bạc".

VTV.vn - Tại nhiều quốc gia phát triển, trong đó có Trung Quốc, việc tỷ lệ sinh đang ngày càng giảm khiến dân số của những quốc gia này rơi vào tình trạng già hóa nhanh chóng.

VTV.vn - Thái Lan đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong số khoảng 70 triệu dân, có hơn 12 triệu người Thái Lan là người cao tuổi.

VTV.vn - Không chỉ riêng Trung Quốc, những nền kinh tế lớn của châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đều đang đối diện với tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm kỷ lục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo !

Các bài liên quan: