Kỷ lục 76 triệu người rời bỏ nhà cửa trên toàn cầu vì xung đột, thiên tai

Số lượng người di cư nội địa trên toàn thế giới đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023, lên tới 75,9 triệu người. Trong số đó, 68,3 triệu người di cư do xung đột và bạo lực, và 7,7 triệu người do thiên tai. Gần 2/3 số người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột vào năm 2023 được ghi nhận tại Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Palestine. Cuối năm 2023, 1,7 triệu người Palestine tại Gaza phải rời bỏ nhà cửa do xung đột giữa Hamas và Israel.

1,7 triệu dân Palestine buộc phải di cư vào cuối năm 2023 khi chiến sự Hamas - Israel leo thang (Ảnh: AFP).

Trung tâm Giám sát di cư nội địa (IDMC) cho biết số người di cư nội địa trên toàn thế giới đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023, lên tới 75,9 triệu người. Con số này tăng hơn 50% trong 5 năm qua.

Nếu như khái niệm "người tị nạn" ám chỉ những người phải rời bỏ đất nước ra nước ngoài, thì "người di cư nội địa" là những người buộc phải rời bỏ nhà cửa nhưng vẫn ở trong biên giới của đất nước họ sinh sống.

Theo Báo cáo toàn cầu hàng năm về Di cư nội địa của IDMC, trong năm ngoái, có 68,3 triệu người trên toàn thế giới phải di cư nội địa do xung đột và bạo lực, và 7,7 triệu người do thiên tai.

Giám đốc IDMC Alexandra Bilak nhấn mạnh: "Chúng ta đang chứng kiến số lượng người buộc phải rời bỏ nhà cửa lên mức cao chưa từng có do xung đột và bạo lực".

Gần 2/3 số người buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột vào năm 2023 được ghi nhận tại Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Palestine.

Sudan có số người di cư nội địa cao nhất thế giới với 9,1 triệu người, gần một nửa trong số đó sinh sống ở khu vực Châu Phi cận Sahara.

Cuối năm 2023, 1,7 triệu người Palestine tại Gaza phải rời bỏ nhà cửa, trốn chạy tới các khu vực khác trong dải đất hẹp do xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát từ tháng 10 năm ngoái.

Ông Jan Egeland, lãnh đạo Hội đồng Tị nạn Na Uy, đơn vị thành lập IDMC, cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ ghi nhận nhiều người buộc phải rời bỏ nhà cửa và cộng đồng của họ như vậy. Đây là bằng chứng cho thấy những nỗ lực yếu kém trong phòng ngừa xung đột và kiến tạo hòa bình".

Huyền Trang

Các bài liên quan: