Lợi nhuận ngân hàng quý 1 giảm phụ thuộc vào tín dụng

Mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm lại, các ngân hàng đang đẩy mạnh thu nhập từ hoạt động phi tín dụng như kinh doanh chứng khoán, ngoại hối và vàng để cải thiện lợi nhuận. Tổng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng đạt hơn 29.793 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, góp phần cải thiện lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng lên 72.093 tỷ đồng.

Trước sức tăng yếu ớt của tín dụng trong quý đầu năm, thu nhập phi tín dụng có đóng góp khá tích cực vào tổng thu nhập hoạt động của các nhà băng, góp phần cải thiện lợi nhuận.

Đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi, giảm phụ thuộc tín dụng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 3/2024, dư nợ tín dụng chỉ nhích 0.26% so với cuối năm 2023, mức tăng thấp hơn 1.73 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đến hết tháng 1/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0.68% so với cuối năm 2023, tốc độ giảm của tháng 2 chậm lại và đến tháng 3 đã tăng dương trở lại.

Dù lãi suất thấp (lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7.7-9.9%/năm), tín dụng tăng yếu ớt khi đầu vào cũng như đầu ra đều đang thận trọng. Kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn, đối mặt suy thoái kéo dài, căng thẳng địa chính trị leo thang làm gia tăng rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến “sức khỏe” lẫn nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Mặt khác, ngân hàng cũng phải thận trọng giải ngân để tránh gánh thêm nợ xấu, khiến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp càng bị hạn chế.

Trước sức tăng yếu ớt của tín dụng, các ngân hàng tìm cách gia tăng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng để cải thiện lợi nhuận. Trong đó, lãi từ chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư cùng với kinh doanh ngoại hối và vàng… tạo nên nhiều “đột phá” cho thu nhập ngân hàng khi đây đều là các sản phẩm tài chính có nhiều biến động trong quý 1 vừa qua.

Nguồn: VietstockFinance

Thống kê dữ liệu VietstockFinance cho thấy, nguồn thu chính từ lãi của 27 ngân hàng đạt 121,284 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng gần như không đổi, duy trì ở mức 80%.

Nguồn: VietstockFinance

Tương tự, tổng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng cũng duy trì tỷ lệ đóng góp vào tổng thu nhập ở mức 20%. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, tổng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng của các ngân hàng đạt hơn 29,793 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ lãi thuần mua bán chứng khoán kinh doanh (gấp 2.8 lần), mua bán chứng khoán đầu tư (gấp 2.9 lần) và kinh doanh ngoại hối, vàng (tăng 49%) đều tăng mạnh.

Nguồn: VietstockFinance

Nguồn thu chính từ lãi cùng với thu nhập ngoài lãi đều gia tăng giúp tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng trên sàn đạt 72,093 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước dù chi phí hoạt động (tăng 6%) lẫn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 5%) cùng tăng.

Nguồn: VietstockFinance

Nguồn: VietstockFinance

Hơn một nửa ngân hàng trong hệ thống “khoe” lãi quý 1 cải thiện. Trong đó, với lãi trước thuế hơn 69 tỷ đồng, gấp 2.6 lần cùng kỳ năm trước, BVBank (BVB) giữ vị trí dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Nguồn: VietstockFinance

Đà tăng vượt bậc của BVB không chỉ đến từ thu nhập từ lãi (tăng 65% so với cùng kỳ, đạt 472 tỷ đồng) mà còn có lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối (tăng 76% nhờ biến động tỷ giá và doanh số mua bán ngoại tệ gấp 1.5 lần cùng kỳ). Đây được xem là bước khởi đầu thuận lợi của nhà băng này sau 1 năm kinh doanh ảm đạm với lãi trước thuế giảm 84% so với năm 2 và chỉ thực hiện được hơn nửa mục tiêu đề ra cho năm 2023.

Nguồn: VietstockFinance

Với lợi nhuận trước thuế tăng hơn 84%, đạt 2,889 tỷ đồng nhờ thu nhập từ lãi tăng 25% và thu từ dịch vụ gấp 3.6 lần cùng kỳ , LPBank (LPB) là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao thứ hai. Kết quả quý 1 tăng trưởng là nhờ LPB đẩy mạnh tín dụng ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt phải kể đến sản phẩm kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu…

Cuộc đua lợi nhuận ngân hàng: “Big 4” xuất phát chậm

Nguồn: VietstockFinance

Vietcombank (VCB, giảm 4%), BIDV (BID, tăng 7%), BIDV (BID, tăng 6%) đều ghi nhận biến động lợi nhuận có phần “lép vế” so với khối ngân hàng cổ phần tư nhân.

Tuy lợi nhuận đi lùi 4% trong quý đầu năm, Vietcombank vẫn giữ ngôi quán quân lợi nhuận với 10,718 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 39%, Techcombank (TCB) đã giành lại vị trí á quân ngân hàng lãi cao quý 1 từ tay BIDV, đẩy “ông lớn” này xuống vị trí thứ 3.

Ngân hàng lạc quan về triển vọng lợi nhuận

Nguồn: VietstockFinance

Dù vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, không ít ngân hàng vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng lợi nhuận năm nay. Đáng chú ý, BVB mạnh dạn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng đến 178% so với mức nền thấp của năm 2023. Hay như VPBank (VPB) dự kiến lãi trước thuế tăng 114% và Eximbank (EIB) mục tiêu lãi tăng 90% so với thực hiện năm trước.

Kết thúc quý đầu năm, tiến độ thực hiện kế hoạch của các ngân hàng khá đồng đều và không có ngân hàng nào công bố tỷ lệ thực hiện mục tiêu lợi nhuận cao đột biến.

Trong đó, với lợi nhuận trước thuế đạt 4,017 tỷ đồng, tăng 11%, SHB đã thực hiện được 36% kế hoạch lợi nhuận năm sau quý đầu năm. Các nhà băng còn lại có tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận từ 8 - 35%.

Tín dụng tăng bình quân 3.8% trong quý 2/2024?

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) được Vụ Dự báo thống kê (NHNN) công bố, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý 2/2024 và trong cả năm 2024 do kỳ vọng nền kinh tế có diễn biến tích cực, sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Các TCTD nhận định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong quý 2 và năm 2024 tiếp tục ở mức thấp và thay đổi không đáng kể so với kỳ trước.

Tại kỳ điều tra này, các TCTD dự báo huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3.5% trong quý 2/2024 và tăng 9.9% trong năm 2024, thấp hơn mức kỳ vọng 12% ghi nhận ở kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3.8% trong quý 2/2024 và tăng 13.6% trong năm 2024, điều chỉnh giảm 0.6 điểm phần trăm so với mức dự báo 14.2% tại kỳ điều tra trước.

Cũng theo kết quả điều tra, có hơn phân nửa TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi khi tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý 2/2024.

Các bài liên quan: