Giá xăng dầu hôm nay 16/5/2024: Thế giới và trong nước có thể cùng giảm

Giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 16/5/2024. Giá dầu Brent xuống mức 81 USD/thùng, giá dầu WTI về mức 76 USD/thùng. Tại thị trường trong nước, giá xăng dự kiến giảm 280 -400 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 200 đồng/lít.

Giá xăng dầu hôm nay 16/5/2024 trên thị trường thế giới tiếp đà lao dốc. Còn giá xăng trong nước tại kỳ điều hành chiều nay có thể được điều chỉnh giảm.

Giá xăng dầu trong nước hôm nay 16/5/2024

Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (16/5) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho hay giá xăng trong nước tại kỳ điều hành chiều nay được dự báo giảm.

Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm 280-400 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu diesel có khả năng tăng 200 đồng/lít.

Trong trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ bình ổn thì giá xăng có khả năng giảm ít hơn.

Cụ thể, giá xăng E5 giảm 1.290 đồng/lít, giá bán về mức 22.620 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 1.410 đồng/lít, giá bán là 23.540 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel giảm 760 đồng/lít, giá bán xuống mức 19.840 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 840 đồng/lít, giá bán là 19.700 đồng/lít.

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 16/5/2024

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 16/5 tiếp đà lao dốc.

Ở phiên giao dịch 15/5, giá dầu tăng vào đầu phiên sau đó quay đầu đi xuống. Giá dầu Brent đã xuống mức 81 USD/thùng. Giá dầu WTI về mức 76 USD/thùng.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h52' ngày 15/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 82,86 USD/thùng, tăng 0,58% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 78,55 USD/thùng, tăng 0,68% so với phiên liền trước.

Tới 21h05' ngày 15/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 81,17 USD/thùng, giảm 1,47% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI về mức 76,81 USD/thùng, giảm 1,55% so với phiên liền trước.

Giá dầu tăng do kỳ vọng nhu cầu cao hơn, khi đồng USD suy yếu và báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ giảm.

Số liệu của Viện Dầu khí Mỹ được công bố mới đây cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 10/5, lượng dầu thô dự trữ của nước này giảm 3,104 triệu thùng trong khi lượng xăng dự trữ cũng giảm 1,269 triệu thùng.

Bên cạnh đó, giá dầu đi lên khi đồng USD suy yếu trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt.

Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% trong tháng 4, thấp hơn mức tăng của tháng trước đó.

Đồng bạc xanh yếu hơn khiến dầu - loại hàng hóa được tính giá theo USD - trở nên rẻ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn chịu sức ép sau khi dữ liệu của Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng lãi suất có thể vẫn ở mức cao trong thời gian dài.

Reuters cho hay, trong tháng 4, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng 0,5%, cao hơn so với dự kiến là 0,3%.

Chỉ số PPI là một thước đo lạm phát của Mỹ. Điều này gây thêm áp lực lên kỳ vọng Fed sẽ sớm hạ lãi suất.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ông kỳ vọng lạm phát của Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong năm nay nhưng cảnh báo rằng hiện ông không mấy tự tin vì giá cả tăng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu năm nay.

Lãi suất cao được duy trì trong thời gian dài có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo mới đây đã giữ nguyên dự báo về mức tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới, với mức tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng 1,85 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Song OPEC cũng cho biết nền kinh tế thế giới có thể hoạt động tốt hơn dự kiến trong năm nay.

Các bài liên quan: