Chuyên gia: Giá điện Việt Nam rẻ vì được trợ giá

Các chuyên gia năng lượng đánh giá rằng giá năng lượng tại Việt Nam đang được trợ giá và chậm trễ trong việc sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ như năng lượng từ rác. Để cải thiện tình hình, Chính phủ và Bộ Công Thương đang tiến hành cải cách giá theo cơ chế thị trường. Theo dữ liệu của EVN, điện thương phẩm trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó điện cho sinh hoạt tăng 18,54%. Tuy nhiên, Việt Nam còn sử dụng năng lượng chưa hiệu quả so với các quốc gia khác, cần gấp rút cải thiện để tiết kiệm điện.

Article Image

Chia sẻ tại tọa đàm về tiết kiệm điện, ông Hà Đăng Sơn - Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh đánh giá, các hệ thống khu dân cư của các nước phát triển rất ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ, ví dụ năng lượng từ rác. Còn ở Việt Nam vấn đề đó đang khá chậm.

Theo ông Sơn, giá năng lượng của chúng ta ít nhiều đang được trợ giá. Ông cũng nói rằng, có ý kiến là thu nhập thấp nhưng phải trả giá, chi phí đắt, nhưng bản chất "là giá năng lượng thế giới không khác gì nhau".

Ông cũng dẫn ví dụ về việc Nhà máy nhiệt điện Ô Môn phải nhập khẩu dầu, khí bằng giá quốc tế. Hay ngay cả Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện cũng yêu cầu giá than bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải phản ánh theo thị trường. Do đó, việc mua sắm cho các nhà máy đó cũng là giá quốc tế nên chẳng có lý do gì giá năng lượng của Việt Nam lại rẻ hơn thế giới.

"Giá của chúng ta hiện nay là đang được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và nhiều chính sách khác của Chính phủ", ông Sơn nói thêm.

Ông Hà Đăng Sơn - Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh

Vị chuyên gia cũng cho biết, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đang trong tiến trình cố gắng cải cách giá theo các cơ chế khác nhau để làm sao bám dần vào thị trường, tránh những việc như vừa rồi, EVN phải báo lỗ, mà lỗ ở đây không phải lỗi của EVN khi chúng ta phải mua nhiên liệu đầu vào rất cao nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong rất nhiều năm, không hề có điều chỉnh trượt giá so với giá năng lượng thế giới.

Sử dụng năng lượng chưa hiệu quả

Cùng chia sẻ tại toạ đàm, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, năm 2024 là năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp cũng như nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu trong năm nay.

Từ cuối năm 2023, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ban hành những văn bản chỉ đạo EVN, PVN, TKV cũng như 63 UBND tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay, 4 tháng đầu năm nay, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023. Nhìn lại cả năm 2023, điện thương phẩm toàn quốc tăng 4,26%. Như vậy, riêng 4 tháng đầu năm 2024, điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023 và đây cũng là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.

Nhìn lại từng thành phần điện đã sử dụng, trong 14,12%, điện cho công nghiệp tăng 10,91%, điện cho thương mại-dịch vụ tăng 18,95% , điện cho sinh hoạt tăng 18,54%, cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước trong thời gian vừa qua.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Nhìn kỹ hơn vào từng khu vực, riêng tại Hà Nội, điện cho thương mại-dịch vụ tăng trưởng 33,26%, điện cho sinh hoạt khu vực Hà Nội tăng 29,27%, tức là tăng xấp xỉ hơn 30% với 2 thành phần thương mại và dịch vụ.

Còn tại miền Bắc, tiếp tục duy trì tăng trưởng điện thương phẩm cho sản xuất công nghiệp (tăng trưởng 13,02% - là mức rất cao trong 4 tháng vừa qua).

Trong tháng 4/2024, hệ thống điện đã lập những kỷ lục mới, cao hơn rất nhiều so với công suất và sản lượng trong quá khứ. Vào 13h30 ngày 27/4/2024, công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia đã đạt 47.670 MW, tăng trưởng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn công suất cực đại năm 2023 là 1.929 MW, con số kỷ lục trong toàn bộ quá trình 70 năm của ngành điện lực Việt Nam.

Về sản lượng, ngày 26/4/2024, sản lượng điện toàn quốc đạt 994 triệu kWh, tăng 14,3% so với 2023 và tăng 7,6% so với ngày cao nhất của 2023. Tính theo giá trị tuyệt đối thì số lượng này tăng 70 triệu kWh trong 1 ngày của ngày 26/4.

"Những kỷ lục này đều xảy ra vào những ngày nghỉ lễ. Đó là thời kỳ bắt đầu mùa nắng nóng ở miền Bắc và cũng là mùa nắng nóng ở miền Trung", ông Lâm nói và cho biết, dự báo trong năm 2024, vào những tháng sắp tới, hệ thống điện có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng.

Nói về tiết kiệm điện, ông Lâm cho biết nước ta là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. So sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi.

"Như vậy, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới", Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo !

Các bài liên quan: