Trường đại học là “lò” đào tạo tỷ phú nhưng sinh viên chỉ mơ ra được trường, mỗi năm có vài trăm người bị cho thôi học

Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại phía Nam và cả nước, đào tạo nhiều thế hệ kỹ sư đầu ngành. Trường cũng là bệ phóng cho nhiều doanh nhân nổi tiếng, tiêu biểu là Chủ tịch THACO Trần Bá Dương. Trường có chất lượng đào tạo hàng đầu, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 98%. Tuy nhiên, để tốt nghiệp được không hề dễ dàng, rớt môn, học lại, nợ môn là tình trạng phổ biến. Trường có 2 cơ sở đào tạo, 240 phòng học, 180 phòng thí nghiệm, 11 xưởng thực tập và một thư viện lớn. Học phí của trường dao động từ 30 đến 60,5 triệu đồng tùy ngành và chương trình đào tạo. Những năm gần đây, số lượng sinh viên nữ theo học ở Bách Khoa ngày càng tăng.

Article Image

Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 1957 với tiền thân là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật. Hiện nay, nơi đây là trường đại học kỹ thuật top đầu ở phía Nam và trên cả nước, đào tạo ra nhiều thế hệ kỹ sư đầu ngành.

Bên cạnh đó trường còn là bệ phóng của nhiều doanh nhân nổi tiếng, tiêu biểu là Chủ tịch Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương. Năm 2024, ông đứng vị trí thứ 5 trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam với khối tài sản ròng 1,2 tỷ USD theo công bố của tạp chí Forbes. Trước đây, ông Trần Bá Dương là cựu sinh viên của khoa Cơ khí khóa 1978.

Ông Trần Bá Dương hiện là chủ tịch Ban đại diện Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa (BKA) nhiệm kỳ 2024 - 2029. Được biết, BKA đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực như chia sẻ kinh nghiệm, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ 1.000 suất vay không lãi mỗi kỳ…

Năm 2022, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM đạt mức ấn tượng với 98%. Đây là điều dễ hiểu bởi Đại học Bách khoa TP.HCM luôn tự hào là một trong những trường đại học có chất lượng đào tạo hàng đầu ở miền Nam.

Tuy nhiên, để tốt nghiệp được lại không hề dễ dàng. Rớt môn, học lại, nợ môn dường như là “đặc sản” ở Bách Khoa. Mỗi năm có khoảng 25 đến 30% sinh viên ra trường muộn và 5 đến 6% sinh viên bị cho thôi học (tương đương khoảng 300 người). Việt Khiêm (sinh viên năm 2 ngành Khoa học máy tính) cho biết bản thân rất tự hào về dàn cựu sinh viên “xịn sò” của trường nhưng “chỉ mong ra trường đúng hạn là vui lắm rồi chứ không mơ trở thành tỷ phú giống đàn anh, đàn chị”.

Về đầu vào, trường có cách tính điểm chuẩn “có một không hai” khi kết hợp nhiều thành phần gồm: Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (75%), điểm thi tốt nghiệp THPT (20%), kết quả quá trình học tập THPT (5%) và các thành tích cá nhân khác. Năm 2023, ngành Khoa học máy tính có điểm chuẩn cao nhất với 79,84 điểm.

Trường có 2 cơ sở đào tạo với tổng diện tích lên tới 41 ha và một Ký túc xá. Cơ sở chính nằm ở số 268 Lý Thường Kiệt, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích hơn 14 ha. Còn cơ sở 2 của trường nằm ở Linh Trung, Thủ Đức.

Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh có 240 phòng học, 180 phòng thí nghiệm và 11 xưởng thực tập để phục vụ việc học tập, thực hành của sinh viên. Hiện trường đang quản lý hơn 23.000 sinh viên, 2.100 thạc sĩ và gần 300 nghiên cứu sinh.

Thư viện Trường đại học Bách khoa thành lập năm 1977, được xem là một trong những thư viện đại học lớn nhất với hơn 22.000 tựa sách, 17.000 luận văn tiến sĩ/ thạc sĩ/ khoá luận cùng hàng trăm nghìn sách báo, bài giảng điện tử...

Trường đầu tư xây dựng nhiều sân bãi chuyên dụng cho các môn đá bóng, bóng tổ, bóng chuyền, tennis... Có thể thấy, bên cạnh việc học tập, sức khỏe tinh thần và thể chất của các bạn sinh viên luôn được nhà trường chú trọng.

Học phí Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh dao động 30 đến 60,5 triệu đồng trong năm học 2023-2024 tùy theo ngành và chương trình đào tạo.

Trước đây, Bách Khoa từng được mệnh danh là “Nam nhi quốc” khi có số lượng nam sinh áp đảo. Thế nhưng những năm gần đây, số lượng sinh viên nữ theo học ở Bách Khoa ngày càng tăng lên. Tình trạng chênh lệch nam - nữ chỉ còn ở những khoa như Xây dựng, Điện – Điện tử, Cơ khí.... Năm 2023, trường chào đón hơn 1.000 tân sinh viên nữ.

Cơ sở 2 của trường ở Thủ Đức sở hữu khuôn viên rộng hơn 26 ha, nổi bật với những dãy lớp học san sát nhau có tông màu xanh dương chủ đạo.

Gia Hân (sinh viên năm 2 ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng) cho biết nhiều lúc không còn "yêu" trường như ngày đầu bởi môi trường học tập cạnh tranh, nhiều áp lực. Thế nhưng, cô bạn khẳng định: “Dù thế nào, mình luôn tự hào khi là một sinh viên Bách Khoa, cảm xúc này chưa bao giờ thay đổi”.

Các bài liên quan: