Phụ huynh trong group hơn 1,2 triệu follow bất bình trước một chia sẻ của giáo viên, ảnh hưởng đến việc thành - bại của sĩ tử 2k9

Phụ huynh học sinh lo lắng khi giáo viên chủ nhiệm khuyên con mình học nghề dù chưa thi cấp 3. Một số ý kiến cho rằng nên để học sinh thi cấp 3 rồi mới quyết định hướng đi phù hợp, trong khi số khác ủng hộ việc định hướng học nghề cho học sinh có học lực trung bình. Tiến sĩ Vũ Việt Anh, Chuyên gia tâm lý giáo dục, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công, gợi ý nên đào tạo giáo viên về định hướng nghề nghiệp và giảm áp lực cho học sinh để họ có thể lựa chọn con đường học tập phù hợp. Hiện nay, học sinh có nhiều lựa chọn sau khi tốt nghiệp THCS, bao gồm trường công lập, công lập tự chủ, tư, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phụ huynh và học sinh cần cân nhắc lựa chọn phù hợp với năng lực và sở thích của từng cá nhân.

Article Image

Mới đây, trên một hội nhóm Facebook có tới hơn 1,2 triệu người tham gia, một phụ huynh đã trút bầu tâm sự về việc học tập của con. Được biết, con của vị này đang học lớp 9 và có học lực trung bình. Điều mà vị này bức xúc nhất là dù chưa thi cấp 3, nhưng giáo viên chủ nhiệm đã một mực tư vấn con phụ huynh này học các trường nghề. Chính điều này khiến nhiều học sinh giữ tâm thế "bỏ cuộc" trong cuộc đua vào 10.

"Tại sao học sinh học gần hết lớp 9 có học lực trung bình các thầy cô và nhà trường cứ hướng nghiệp các em học nghề mà không thi vào cấp 3 hay là ở nhà ôn tập năm sau thi tiếp ạ?", vị này chia sẻ.

Dạo quanh các group phụ huynh học sinh thời gian gần đây, chủ đề này cũng được bàn tán rôm rả. Trước đó, cộng đồng mạng từng xôn xao trước đoạn clip dài hơn 5 phút ghi lại khung cảnh một buổi họp phụ huynh. Cụ thể đang trong buổi họp, một vị phụ huynh đã đứng lên đưa ý kiến về định hướng vào cấp 3 hay học trường nghề của các học sinh trong lớp, trong đó có con của vị này.

Vị phụ huynh này mạnh dạn đứng lên bày tỏ quan điểm của mình

Vị phụ huynh này cho rằng việc nhà trường thường xuyên khuyến khích học sinh theo học trường nghề, dù chưa thi cấp 3 khiến nhiều học sinh "bỏ cuộc" trong cuộc đua vào 10. Với tư cách là cha mẹ, họ không hề muốn như vậy.

"Cứ để các cháu thi xong đã, không có vội vã gì. Nếu các cháu không thi được thì dứt khoản sẽ chuyển sang trường nghề" , vị này nêu quan điểm.

Netizen chia phe tranh cãi

Bên dưới bài đăng, không ít netizen để lại quan điểm của mình. Đa phần ý kiến cho rằng việc phân luồng giáo dục như vậy là phù hợp với xu thế của thời đại. Hiện nay có rất nhiều định hướng cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và học nghề là một trong số đó. Việc định hướng hướng đi phù hợp cho học sinh là nhiệm vụ của học sinh, còn việc quyết định theo đuổi việc học nghề hay thi cấp 3 thì phụ thuộc vào quyết định của gia đình.

Ngược lại, không ít netizen cho rằng dù thế nào đi chăng nữa thì giáo viên cũng nên khuyên các em thi cấp 3. Không ít học sinh nghe lời giáo viên hơn cả phụ huynh, nên chỉ cần một lời nói của giáo viên có thể khiến các em bị lay động. Hơn nữa, "học tài thi phận", dù hiện tại có học lực không quá nổi bật, nhưng biết đâu các em có thể thi đỗ, chưa kể vẫn còn thời gian để cố gắng, kỳ tích chưa chắc đã không xảy ra.

Người dùng Nguyễn Đức Hòa chia sẻ: "Học trường nghề vẫn tốt nghiệp cấp 3 và liên thông lên cao đẳng nghề. Thầy cô định hướng đúng chứ có sai đâu bạn. Tay nghề cao ra trường là có việc làm liền mà lương lại cao. Hướng như vậy cũng tốt, mình nghĩ vậy bởi thường thì giáo viên dạy các bạn đó sẽ hiểu rõ năng lực và học lực để cho vào trường nào là tốt nhất thậm chí giáo viên còn hiểu rõ con hơn cả phụ huynh đó".

"Học nghề vẫn có bằng cấp 3 mà. Đây là các thầy cô chỉ đưa ra lời khuyên, chứ quyền quyết định vẫn ở phụ huynh và học sinh cơ mà. Thứ nữa là học không tốt thì không dễ để đỗ vào cấp 3, vậy thì định hướng nghề cho các con cũng là 1 hướng đi tốt. Mình là phụ huynh năm nay có con thi vào cấp 3, học lực của con bình thường, mình cũng đã xác định con sẽ vào dân lập, chứ thi đỗ là khó", phụ huynh Lê Thanh Hà nói.

"Đúng ra nhà trường chỉ được đưa ra lựa chọn và tư vấn chung cho tất cả học sinh, còn lại để học sinh và gia đình tự chọn đi theo hướng nào chứ không được tư vấn cụ thể từng học sinh theo hướng khuyến khích thiên về 1 phía", Bích Tuyền tâm sự.

"Học tài thi phận, sao giáo viên không vận động các em cố gắng học mà lại cứ hướng đi học nghề. Có những em không học được giỏi nhưng vẫn muốn được đi học cấp 3 nhưng các thầy cô lại cứ hướng cho con đường khác, như thế sẽ khiến các em chùn bước" , người dùng Linh Anh nói.

Chuyên gia nói gì?

Tiến sĩ Vũ Việt Anh - Chuyên gia tâm lý giáo dục, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) chia sẻ, đầu tiên chúng ta cần khẳng định rằng định hướng học sinh là một hoạt động quan trọng trong giáo dục, góp phần giúp học sinh lựa chọn được con đường học tập và phát triển phù hợp với bản thân. Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng học sinh, nhưng việc định hướng cần dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm năng lực, sở thích, điều kiện gia đình và thị trường lao động.

Việc một số giáo viên định hướng học sinh có học lực trung bình học nghề có thể xuất phát từ một số nguyên nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả giáo viên định hướng học sinh có học lực trung bình học nghề đều là vấn đề. Nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm trong việc định hướng học sinh, đã giúp học sinh lựa chọn được con đường học tập và phát triển phù hợp, thành công trong tương lai.

Tiến sĩ Vũ Việt Anh

Tiến sĩ Việt Anh cũng gợi ý một số cách để nâng cao kỹ năng tư vấn cho giáo viên:

- Đào tạo giáo viên về định hướng nghề nghiệp: Cần tổ chức các chương trình đào tạo bài bản về định hướng nghề nghiệp cho giáo viên, giúp giáo viên có kiến thức và kỹ năng để đánh giá năng lực học sinh và đưa ra định hướng phù hợp.

- Giảm áp lực từ phía nhà trường và phụ huynh: Cần tạo môi trường giáo dục cởi mở, khuyến khích học sinh lựa chọn con đường học tập phù hợp với bản thân, tránh gây áp lực cho học sinh và giáo viên.

- Cung cấp thông tin về thị trường lao động: Cần cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về thị trường lao động cho học sinh và giáo viên, giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường.

Tóm lại, đối với những phụ huynh có con đang chuẩn bị thi vào cấp 3, việc con đỗ vào một ngôi trường công lập là một trong những điều mà họ mong mỏi nhất. Tuy nhiên, đối với những học sinh có học lực không thật sự nổi bật thì các bạn thường chọn hướng đi khác cho mình như đăng ký vào các trường nghề. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, không ít phụ huynh vẫn không mấy mặn mà với hình thức này.

Lo lắng của phụ huynh cũng không phải là không có lý do. Song hiện nay, học sinh có rất nhiều lựa chọn cho tương lai của mình. Ngoài trường công lập, các em cũng có thể lựa chọn theo học tại các trường công lập tự chủ, trường tư, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Lựa chọn theo đuổi hình thức nào phụ thuộc vào theo định hướng, mong muốn của thí sinh cũng như phụ huynh. Mỗi lựa chọn đều có ưu - nhược điểm riêng, không cái nào tốt hơn cái nào. Phụ huynh và học sinh nên ngồi lại để cùng phân tích và đưa ra phương án phù hợp nhất.

Phân luồng trong giáo dục được giải thích theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Giáo dục 2019 là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục.

Công tác phân luồng trong giáo dục tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Mục tiêu chung của đề án là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Các bài liên quan: