Bất động sản Đông Anh khởi động nhiều dự án lớn

Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào huyện Đông Anh với các dự án khu đô thị thông minh, thành phố thông minh, hạ tầng giao thông hiện đại và sắp tới là 3 cây cầu vượt sông Hồng. Huyện Đông Anh hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm kinh tế mới của Hà Nội và Việt Nam.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đã có thông báo tìm các nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị thông minh - sinh thái tại huyện Đông Anh.

Dự án có tổng số vốn đầu tư sơ bộ của dự án là 33.093 tỷ đồng, quy mô 268 ha với số lượng căn hộ dự kiến khoảng 12.833 căn. Khi được hoàn thành, đây dự kiến là nơi định cư của khoảng 38.500 người.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao, cho thuê đất, tiến độ thực hiện đến hết năm 2031. Doanh nghiệp quan tâm có thể nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trước ngày 29/6/2024.

Khu đô thị thông minh - sinh thái tại huyện Đông Anh được thực hiện với mục tiêu xây dựng khu đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Dự án nằm trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, cũng như quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Trước đó, tháng 11/2023, Tập đoàn BRG (Việt Nam) đã công bố triển khai dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD trên tổng diện tích gần 272ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh.

Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội nằm tại huyện Đông Anh do liên danh Tập đoàn BRG (Việt Nam) với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Dự án được chia thành 5 giai đoạn, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào quý 4/2032.

Trong đó, tòa Tháp 108 tầng dự kiến sẽ trở thành một trong những tòa nhà cao nhất Đông Nam Á, có diện tích xây dựng hơn 30.500m2 và có tổng diện tích sàn tầng nổi là hơn 320.000m2, là một siêu tổ hợp công trình hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế tại vị trí cửa ngõ kết nối sân bay quốc tế Nội Bài và thành phố Hà Nội với nhiều chức năng như văn phòng, thương mại, khách sạn, du lịch… trở thành điểm nhấn về cảnh quan đô thị, góp phần thúc đẩy nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư và trở thành biểu tượng cho sự phát triển của Hà Nội và Việt Nam.

Không chỉ vậy, tháng 7/2023, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua đề án thành lập Quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.

Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên 185 km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có. Quận sẽ có 24 phường gồm Đông Anh, Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.

Vào ngày 15/5/2024, tại kỳ họp thứ 16, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Theo tờ trình từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận. Cùng với đó, hạ tầng giao thông của huyện Đông Anh ngày càng được đầu tư hiện đại. Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh, với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Tháng 8/2023, Hà Nội phê duyệt đầu tư nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn khác tại Đông Anh: Xây dựng tuyến đường gom quốc lộ 3 đi qua xã Vân Hà đến hết địa phận Đông Anh (278 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường LK51 đoạn từ quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ; xây dựng tuyến đường LK53 đoạn từ đường kinh tế miền Đông đến hết địa phận huyện Đông Anh; xây dựng tuyến đường LK47 Nam Hồng - Tiên Dương; đặc biệt, là dự án xây dựng tuyến đường từ đường sắt Hà Nội - Lào Cai đến khu công nghiệp Đông Anh.

Sắp tới, Hà Nội cũng xây 3 cây cầu vượt sông Hồng gồm Tứ Liên, Thượng Cát và cầu Thăng Long mới, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của huyện Đông Anh.

Các bài liên quan: